Tỉnh thành có 72km đường biển Nam Định là một trong những tỉnh thành giáp biển ở miền Bắc. Với 72km bờ biển, có địa hình tương đối bằng phẳng và hệ thống sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ chảy qua, mang lại rất nhiều điều kiện thuận lợi trong vận tải đường thuỷ […]
Tỉnh thành có 72km đường biển
Nam Định là một trong những tỉnh thành giáp biển ở miền Bắc. Với 72km bờ biển, có địa hình tương đối bằng phẳng và hệ thống sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ chảy qua, mang lại rất nhiều điều kiện thuận lợi trong vận tải đường thuỷ và phát triển công nghiệp.
Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, đường cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình, tạo thuận lợi phát triển khu kinh tế Ninh Cơ, khu công nghiệp dệt may Rạng Đông; các khu, cụm công nghiệp nhất là Khu công nghiệp Hải Long với quy mô lớn trên 1.100 ha. Đặc biệt, khu đô thị Thịnh Long – Rạng Đông đang hình thành và phát triển là đô thị loại III, trung tâm phía nam của tỉnh, phát triển đa ngành, đa lĩnh vực.
Dịch vụ cảng biển cũng là thế mạnh của Nam Định. Khu bến Hải Thịnh – Cửa Đáy có thể phục vụ cỡ tàu trọng tải đến 3.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện. Bến phao, khu neo đậu chuyển tải Ninh Cơ, vị trí vùng nước khu vực ngoài cửa Lạch Giang phục vụ chuyển tải hàng lỏng, hàng rời cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn.
Bên cạnh đó, tài nguyên du lịch vùng ven biển cũng đang được khai thác, đầu tư, phát triển thành các sản phẩm du lịch biển như: Du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thuỷ; Du lịch nghỉ dưỡng tại khu du lịch nghỉ mát tắm biển Thịnh Long, Quất Lâm và Rạng Đông.
Trong đó, đáng chú ý là dự án xây dựng Khu du lịch sinh thái biển Quất Lâm. Theo UBND huyện Giao Thủy, điểm du lịch biển thị trấn Quất Lâm được hình thành từ năm 1997. Mỗi năm, nơi này đón hàng vạn lượt khách du lịch về tắm biển, nghỉ dưỡng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Được ưu đãi nguồn vốn đầu tư công
Với những tiềm năng, thế mạnh vốn có, tỉnh Nam Định rất thuận lợi trong việc phát triển kinh tế đa ngành, ngành công nghiệp, nông nghiệp đa dạng; có nhiều sản phẩm đặc thù; hạ tầng kinh tế khá, điều kiện hạ tầng kỹ thuật được triển khai áp dụng khá phong phú.
Tuy nhiên, quá trình phát triển của Nam Định trong thời gian vừa qua có nhiều điểm nghẽn khi GRDP chỉ ở mức 6,6% trong giai đoạn 2011 – 2020; cơ cấu kinh tế mất cân đối, độ mở liên kết vùng thấp, không thu hút được đầu tư có chất lượng, quy mô kinh tế dậm chân tại chỗ; mức đô thị hóa chỉ đạt 20,3% trong khi cả nước là 33,6%.
Cho nên, trong thời gian vừa qua, tỉnh Nam Định đã tập trung nguồn vốn đầu tư công để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thu hút nguồn vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó có các công trình nổi bật như sau:
Dự án Xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Nam Định với tổng chiều dài tuyến đường 65,8km dọc theo cả ba huyện ven biển (Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy). Toàn tuyến đầu tư theo quy mô tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Tổng mức đầu tư: 2.655 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2024.
Dự án Xây dựng đường trục phát triển nối Vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình có tổng chiều dài tuyến đường 46 km. Nối từ xã Nghĩa Phúc, huyện Nghĩa Hưng đến khu vực nút giao với Cao Bồ, huyện Ý Yên. Tổng mức đầu tư là 5.326 tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn I (2017-2021) là 2.839,0 tỷ đồng. Đến nay đã hoàn thành giai đoạn 1, chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục bàn giao đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư cũng đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai các công việc giai đoạn 2 Dự án để đảm bảo tiến độ đầu tư.
Dự án Xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng với tổng chiều dài khoảng 2 km. Tổng mức đầu tư là 1.450 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án trong năm 2023.
Bên cạnh đó, tỉnh Nam Định còn tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến giao thông huyết mạch quan trọng kết nối trung tâm vùng, trung tâm kinh tế các huyện vùng ven biển, tạo thành mạng lưới giao thông kết nối thuận lợi vùng kinh tế biển với các địa phương trong và ngoài tỉnh, với các trục giao thông trọng điểm quốc gia.
Việc phát triển hệ thống giao thông không chỉ là chủ trương đúng đắn, kịp thời, mà còn tạo ra luồng giá mới, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí giao thông hiện đại, là giải pháp hiệu quả để tỉnh Nam Định phát triển theo hướng hiện đại, thuận lợi, an toàn. Đồng thời, sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng giao thông còn tạp sự liên kết vùng nhanh và bền vững, đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân và tạo tiền đề tăng trưởng kinh tế, thu hút các nhà đầu tư.
Cụ thể, theo Ban quản lý các khu công nghiệp, từ năm 2020 đến nay, Nam Ðịnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 156 dự án, với tổng số vốn đăng ký và bổ sung là 246,7 triệu USD và 107.596 tỷ đồng.
Trong đó, có 108 dự án (14 dự án FDI và 94 dự án đầu tư trong nước) được cấp mới với tổng số vốn đăng ký là 180 triệu USD và 76.855 tỷ đồng; 48 dự án (17 dự án FDI và 31 dự án đầu tư trong nước) được điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn bổ sung là 66,7 triệu USD và 30.714 tỷ đồng.
Riêng 7 tháng đầu năm 202, theo báo cáo của UBND tỉnh, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 9 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 147 triệu USD. Trong đó, cấp mới cho 8 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký 143,9 triệu USD và tăng vốn 3,4 triệu USD cho 1 dự án FDI.
Thị trường bất động sản “cất cánh”
Với những chuyển biến tích cực của cơ sở hạ tầng, thị trường bất động sản Nam Định đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Bởi lẽ, đây là thị trường bất động sản luôn chịu ảnh hưởng mạnh bởi thị trường bất động sản ở các thành phố lớn xung quanh như Hà Nội, Hải Phòng có sức hút các nhà đầu tư lớn, thị trường luôn ở trạng thái bão hòa, ít xảy ra hiện tượng đầu cơ đẩy giá ảo, giá quá cao để tạo “sốt giả”.
Đặc biệt thị trường bất động sản ở những địa phương giáp biển của Nam Định như Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng sẽ là “điểm vàng” về đầu tư sinh lời. Những khu vực này được thừa hưởng lợi thế từ vị trí giáp biển, thuận lợi để phát triển du lịch và các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng.
Thêm vào đó, những thị trường bất động sản ở những địa phương giáp biển của Nam Định đang sở hữu lợi thế “vũng trũng” về giá. So với các địa phương khác ở trong tỉnh Nam Định, giá bất động sản ở những khu vực này đang còn khá mềm và phù hợp với nguồn tài chính của nhiều nhà đầu tư.
Giới chuyên gia đánh giá, thị trường đất nền Nam Định còn đang sơ khai, giá đất còn thấp và chưa bị ảnh hưởng bởi những đợt sốt đất. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, địa phương này đang được hưởng nhiều lợi thế từ cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, cùng những chính sách hỗ trợ tích cực cho thị trường. Đây là một động lực lớn để giúp cho thị trường đất nền ở đây phục hồi và phát triển trong thời gian tới.
Theo Dự thảo Quy hoạch, quan điểm phát triển kinh tế đến năm 2030 được Nam Định đặt ra là phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển vùng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực của Tỉnh…
Theo đó, Nam Định lựa chọn kịch bản phát triển nhanh theo hướng bền vững, với phương án phát triển nhanh kinh tế, đồng thời đảm bảo các vấn đề xã hội, bảo vệ, khôi phục và gia tăng hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học; đảm bảo công bằng xã hội gắn kết với ổn định. Phương án này hướng tới mục tiêu đưa Nam Định trở thành một cực tăng trưởng kinh tế vùng Nam Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), thu hẹp dần khoảng cách phát triển với các địa phương vùng ĐBSH. Với dự thảo quy hoạch này, Nam Định sẽ sớm trở thành một thị trường bất động sản sôi động bậc nhất trong thời gian tới.