Tỉnh Nam Định đang đẩy mạnh các giải pháp thu hút nhà đầu tư để hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Hồng.

Hoạt động thu hút đầu tư

Tỉnh Nam Định đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước, có kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, từng bước hiện đại, phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển của vùng, quốc gia, khu vực và quốc tế. Từ đó tạo nền tảng vững chắc để thực hiện tầm nhìn đến năm 2050 “Nam Định trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH).

Để đạt mục tiêu nói trên, việc huy động, thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, nhất là thu hút nhiều nhà doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư là một trong những định hướng mà tỉnh Nam Định hướng đến trong năm 2024.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam – Singapore (VSIP) về nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Trong năm 2023, tỉnh Nam Định đã đạt được những kết quả rất tích cực trong công tác thu hút đầu tư với sự đột phá cả về số lượng, quy mô vốn và chất lượng dự án. Trong đó có không ít doanh nghiệp lớn, vị thế toàn cầu đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển hoặc đã triển khai đầu tư, xây dựng các dự án lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Điển hình như: Tập đoàn Quanta, Tập đoàn JiaWei (Đài Loan, Trung Quốc); Công ty Xingyu Safety Technology, Tập đoàn Material Sunrise (Singapore); Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam – Singapore (VSIP); Tập đoàn AEON…

Kết quả này cho thấy, cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các ngành của tỉnh, đặc biệt là người đứng đầu, đã phát huy vai trò, thể hiện rõ nét tinh thần trách nhiệm chủ động chỉ đạo triển khai tham gia xây dựng QHT theo chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm sự thống nhất.

Gia tăng các giải pháp đồng bộ để thu hút nhà đầu tư

Để đạt kết quả cao trong huy động nguồn vốn đầu tư thúc đẩy thực thi, biến QHT thành hiện thực, hiện nay, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã bám sát quy hoạch tỉnh, gia tăng các giải pháp thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư. Trong đó, tập trung chỉ đạo hoàn thành các quy hoạch, kế hoạch, nhất là quy hoạch chung, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu và kế hoạch sử dụng đất để sẵn sàng đón nhà đầu tư; đảm bảo việc thu hút và triển khai đầu tư trong thời gian tới không còn bị vướng mắc, ảnh hưởng bởi vấn đề mâu thuẫn, chồng lấn giữa các quy hoạch, chưa thống nhất với quy hoạch tỉnh… Tích cực bố trí nguồn ngân sách Nhà nước kết hợp huy động các nguồn vốn hợp pháp khác đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp đồng bộ về kết cấu hạ tầng theo hướng liên hoàn, kết nối, bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, điện lực, viễn thông… Hiện đại hóa và thị trường hóa giáo dục và đào tạo, gồm cả đào tạo nghề, chú trọng nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề, kỹ năng công nghệ số, kỷ luật, văn hóa và nâng cao nhận thức cho lực lượng lao động, đặc biệt trong những ngành ưu tiên thu hút đầu tư, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu sử dụng lao động, nhất là các vị trí quan trọng trong doanh nghiệp. Quyết liệt xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tối đa; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đầu tư, xây dựng.

Sản xuất tại Công ty Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (Khu công nghiệp Bảo Minh). Ảnh: Thanh Thúy

Xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm; quan tâm thu hút đầu tư theo định hướng phát triển 3 vùng kinh tế của tỉnh; chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ với các dự án hợp tác cụ thể để triển khai thành công; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại các địa bàn trọng điểm như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Liên minh châu Âu. Đẩy mạnh truyền thông bằng đa dạng phương tiện, hình thức về các dự án, lĩnh vực tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư trong thời kỳ quy hoạch.

Tỉnh chú trọng thu hút đầu tư phát triển sản xuất thuộc các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh; nông nghiệp và thủy sản. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp, ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu…; ưu tiên các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa thân thiện với môi trường; một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động mà tỉnh có lợi thế.

Về đối tác ưu tiên THĐT, tỉnh chủ trương, đối với dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) tỉnh khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu toàn cầu, năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và THĐT sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Đối với đầu tư trong nước, tỉnh ưu tiên kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm lực tài chính, các doanh nghiệp thuộc tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) đầu tư vào các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ.

-Theo Báo Nam Định-